Nguyên nhân dẫn đến thói quen cắn móng tay vẫn chưa có lý do nào thực sự chính xác. Đối với trẻ em thì nhiều người cho rằng do các em quá căng thẳng về một vấn đề nào đó như trong học tập nhưng khó có thể tự mình vượt qua, nên việc cắn móng sẽ giúp các em bớt căng thẳng.
Người lớn cắn móng tay cũng là dấu hiệu của sự lo lắng, bất an. Nhưng đôi khi cũng có thể chỉ đơn giản là cảm thấy chán nản, bực bội hoặc gặp phải những công việc quá khó, bế tắc.
Thói quen này thường được hình thành từ khi còn nhỏ khoảng tầm 3 - 4 tuổi, và dần dần sẽ xuất hiện thường xuyên hơn nếu không từ bỏ ngay lúc đầu.
Tác hại của thói quen cắn móng có thể đáng sợ hơn những gì bạn nghĩ. Vì bàn tay là bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với những vật dụng bên ngoài nên thường là nơi trú ngụ của vi khuẩn. Cắn móng tay là hành động dẫn đường cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào trong cơ thể và gây ra nhiều loại bệnh.
Móng tay được cấu tạo từ nhiều lớp chất đạm cứng như sừng, nếu cắn nhiều sẽ gây áp lực lên răng. Về lâu dài có thể khiến vị trí răng bị xê dịch, gây hỏng men răng hoặc thậm chí là mẻ răng làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Ngoài nguy cơ làm răng yếu thì thói quen này còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của lợi, hoặc thậm chí gây thụt lợi. Các góc khuất của móng tay có thể là nơi đưa vi khuẩn vào kẽ răng, khiến các mô lợi bị nhiễm khuẩn và đau nhức. Vì vậy muốn sức khỏe răng miệng tốt và có nụ cười đẹp thì tuyệt đối đừng cắn móng tay nữa bạn nhé.
Cắn móng nhiều dĩ nhiên sẽ khiến cho móng bị xước, để lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm có cơ hội xâm nhập và gây viêm móng. Tình trạng viêm sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng đau đớn, thậm chí là bị sưng phù ngón tay và cần được điều trị bằng thuốc kháng khuẩn.
Và một trong những hậu quả nghiêm trọng có thể ảnh hưởng về lâu dài cho móng tay là khiến cho móng bị biến dạng, độ dài của móng bị thay đổi và hình dạng của móng có thể sẽ bị thay đổi vĩnh viễn, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ cho cả bàn tay.
Móng tay luôn là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn cho dù bạn có thường xuyên rửa tay hay sát khuẩn. Vì vậy, cắn móng tay sẽ dẫn đường cho vi khuẩn vào miệng, những vi khuẩn này sẽ tồn tại và sinh sôi trong khoang miệng, dẫn đến bệnh nướu răng và gây hôi miệng.
Khi vi khuẩn đã xâm nhập vào khoang miệng thì hoàn toàn có khả năng tiếp tục đi sâu vào đường ruột, gây nhiễm trùng dạ dày, dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và thậm chí là nhiễm trùng đường ruột.
Trong sinh hoạt hằng ngày, chắc chắn ta sẽ không tránh khỏi hành động đưa tay sờ lên mặt. Vì vậy, vi khuẩn từ các vết nứt trên tay sẽ xâm nhập lên mặt và gây mụn khi ta vô tình chạm tay lên mặt. Khu vực dễ nổi mụn nhất thường sẽ là quanh vùng môi.
Hiện tượng móng tay bị nhiễm trùng không chỉ xảy ra ở bên ngoài và có thể kiểm soát được mà còn có thể khiến các khớp ở bàn tay bị viêm. Tình trạng này gọi chung là viêm khớp nhiễm trùng, rất khó chữa và đôi khi cần phải phẫu thuật.
Thói quen cắn móng thực sự quá nguy hiểm và dẫn đến nhiều hệ lụy không chỉ ở trẻ em mà còn ở người lớn do gặp nhiều áp lực và căng thẳng. Để loại bỏ tật xấu này thì cần có nhiều thời gian. Sau đây là một số cách mà bạn có thể tham khảo để áp dụng cho bản thân hoặc con em mình.
Đánh lạc hướng trẻ bằng những trò tiêu khiển khác để quên đi thói quen cắn móng tay.
Tập luyện thể thao và những hoạt động thủ công.
Có thể dùng loại sơn móng tay trong suốt và có vị đắng.
Người lớn thì cần loại bỏ ngay thói quen này để tránh trẻ em bắt chước.
Luôn cắt móng tay gọn gàng, sạch sẽ.
Nếu buồn miệng có thể nhai kẹo cao su hoặc đồ ăn vặt nào đó.
Luôn mang theo kềm bên mình để khi bị xước thì không phải dùng răng để cắn.
Trên đây là những hậu quả của hành động cắn móng tay thường xuyên cũng như một số cách hiệu quả có thể áp dụng ngay để loại bỏ thói quen xấu này. Đừng xem thường những hành động đơn giản nhưng lại có thể mang đến những căn bệnh vượt ngoài sự tưởng tượng của mình bạn nhé!
Bán sản phẩm của Quyên
Copyright 2020 Mỹ Phẩm Quyên Thương Hiệu Hàng Đầu Về Nước Rửa Móng Tay. All Rights Reserved.
Online: